FROM ❤️ TO ❤️ “TẬP LÀM BÁC SĨ”

FROM ❤️ TO ❤️ “TẬP LÀM BÁC SĨ”

KHOẢNH KHẮC KHIẾN MÌNH CẢM THẤY CÓ THỂ ĐÓNG GÓP MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ, DÙ MỚI TRONG THỜI GIAN NGẮN NGỦI ĐƯỢC “TẬP LÀM BÁC SĨ”

Cùng gặp gỡ Bác sĩ Phạm Tuấn Nghĩa, bác sĩ nội trú (BSNT) chuyên ngành Nội tại VinUni, hiện đang làm việc tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Ocean Park với vai trò BSNT năm 2 – Junior Resident.

🔹Hãy cùng nghe những chia sẻ của BSNT Phạm Tuấn Nghĩa về công việc thường nhật của một BSNT năm 2 tại phòng khám qua phỏng vấn ngắn dưới đây nhé!

❓Một ngày làm việc của BSNT năm 2 tại phòng khám diễn ra như thế nào?

Một ngày làm việc của mình bắt đầu bằng buổi giao ban, đây là lúc các BSNT và sinh viên cùng tham gia báo cáo, thảo luận về tình trạng của bệnh nhân từ ngày hôm trước. Trong buổi này, các bác sĩ attending sẽ trực tiếp đặt câu hỏi, phân tích tình hình và cùng đội ngũ để xác định các vấn đề cần giải quyết, cũng như quyết định liệu có cần theo dõi thêm các bệnh nhân trước đó trong những ngày tới hay không.

Sau giao ban, mình quay trở lại phòng khám, bật máy tính và chuẩn bị đón bệnh nhân trong ngày. Quy trình làm việc bắt đầu từ việc các anh chị điều dưỡng tiếp nhận bệnh nhân, nhập thông tin vào phần mềm, và sau đó chuyển bệnh nhân vào phòng khám để mình tiến hành thăm khám. Khi hoàn thành thăm khám, mình sẽ trao đổi với bác sĩ attending để thống nhất về phương án điều trị. Nếu cần thiết, mình có thể chỉ định xét nghiệm hoặc kê thuốc, tất cả đều phải được bác sĩ attending xét duyệt trước khi triển khai.

Buổi chiều, mình tiếp tục với công việc gọi điện thoại để theo dõi và cập nhật tình trạng của các bệnh nhân đã thăm khám trước đó, đảm bảo họ nhận được sự chăm sóc tốt nhất.

❓ Trong hơn một năm là BSNT Nội tại VinUni, bác sĩ có kỷ niệm nào đáng nhớ muốn chia sẻ không?

Mình đã có cơ hội thực tập tại bệnh viện Vinmec và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trước khi chuyển về phòng khám Ocean Park. Một kỷ niệm tích cực gần đây khiến mình nhớ mãi là trường hợp một bệnh nhân nhập viện vì đợt cấp COPD, theo dõi viêm phổi. Tuy nhiên, đến ngày điều trị thứ 4, tình trạng bệnh nhân đột ngột chuyển xấu, suy hô hấp và phải đặt ống thở. Khi tiếp nhận, mình phát hiện bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp (ACS), nhồi máu cơ tim kèm biến chứng suy tim. May mắn là chẩn đoán kịp thời đã giúp chuyển bệnh nhân lên phòng can thiệp và cứu sống được họ. Khoảnh khắc đó khiến bản thân cảm thấy có thể đóng góp được gì đó trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình vẫn đang “tập làm bác sĩ”.

Bên cạnh đó, cũng có những kỷ niệm mang nhiều cảm xúc hơi tiêu cực. Một trong số đó là mình cảm thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, chưa đủ giỏi để đối mặt với những tình huống khó khăn. Có lần, mình gặp một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và người nhà xin đưa bệnh nhân về. Lúc ấy, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và có thể nghe thấy mọi người xung quanh. Khi thấy ánh mắt của họ mình không khỏi cảm thấy buồn và bất lực. Dù biết y học cũng còn những giới hạn, nhưng cảm giác bản thân không thể làm gì thêm để giúp họ vẫn khiến mình trăn trở.

Bác sỹ Phạm Tuấn Nghĩa chia sẻ về hành tình của mình tại VinUniversity GME Program

❓ So với năm đầu tiên, giờ đã là BSNT năm hai, bác sĩ có nhận thấy sự khác biệt và tiến bộ trong chuyên môn của mình không?

Về môi trường phòng khám thì năm hai mình mới bắt đầu đi. Nhìn chung, mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trong việc hỏi bệnh, khai thác bệnh sử, tiến hành khám bệnh và đưa ra các chẩn đoán.

Như năm nhất, mình chủ yếu tập trung vào việc tiếp cận bệnh nhân và làm quen với quy trình khám. Tuy nhiên, đến năm hai, khi đã gặp nhiều tình huống bệnh lý, mặt bệnh khác nhau, mình đã có thể nhận diện và phân biệt được các đặc điểm của từng bệnh. Điều này giúp mình tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định, và ít khi cần đến sự can thiệp của bác sĩ attending trong việc tái khám. Mình cảm thấy mình đã độc lập hơn trong suy nghĩ, tư duy, cách khám, và đặc biệt là trong vai trò BSNT năm hai.


Xin chân thành cảm ơn BSNT Phạm Tuấn Nghĩa đã dành thời gian tham gia phỏng vấn. Chúc bác sĩ tiếp tục gặt hái thật nhiều thành công trong thời gian tới.

Banner footer